Nhậu để... không quan liêu?! Đã là dân thường ở nông thôn, đương nhiên không bị ai quản thúc theo giờ hành chính. Thế nên, hễ gặp cán bộ xã xuống cơ sở là dân mừng lắm, phải mời rượu cho bằng được và "chuyện nhậu” của một bộ phận cán bộ xã ở ĐBSCL đã trở thành chuyện "thường ngày”. Nhưng nhậu thế nào cho phải phép? Xin thưa, chưa có luật! Có khi trên đường đi đến trụ sở xã làm việc, cán bộ xã gặp đám tiệc, giỗ, thế là ghé vào làm "một cơ số”. Chuyện tưởng như quá bình thường này tiềm ẩn nhiều chuyện rắc rối khi cán bộ sau đó đi làm trong trạng thái "nóng trong người”. Tại đám tiệc, đôi khi mời nhau ly rượu chung vui là việc cần thiết Ông Trần Chí Dũng - Chủ tịch UBND huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) nói: "Việc cán bộ xã nhậu thì không ai cấm, nhưng tuyệt đối là không được nhậu khi làm việc, trong giờ hành chính. Nếu phát hiện, chúng tôi xử lý ngay!”. Ông Dũng cũng bày tỏ lo lắng khi mà hiện nay đa số cán bộ xã là người địa phương nên khi gặp đám tiệc mà không ghé qua thì sẽ bị dân trách là quan liêu này nọ, nhưng khi uống vài ly rượu vào thì làm việc khó lắm. "Cán bộ xã bây giờ nhậu nhiều quá Quốc hội ơi!” Cũng vì nể nang như vậy, mới đây một cán bộ ở bộ phận nhận trả kết quả của xã K.L đã gây ra chuyện đáng tiếc. Khi giải thích làm thủ tục, ma men đã xúi cán bộ này lớn tiếng với dân. Không hài lòng, dân đã phản ánh lên huyện. Một trường hợp ở xã khác trên điạ bàn huyện An Biên, do uống rượu trước giờ đi làm, một cán bộ đã nạt nộ vợ của một liệt sĩ. Bị xúc phạm, người dân đã quát tháo, làm náo loạn cả UBND xã. Nặng nề hơn, một số cán bộ xã sau khi nhậu nhẹt đã mất kiềm chế nên quậy phá, thậm chí đánh nhau tùm lum. Cách đây không lâu, Trưởng Công an một xã ở huyện Tân Hiệp đã rủ dân đi uống bia ôm, sau đó còn xúi thuộc cấp của mình (đã có hơi rượu) đánh gẫy tay kẻ... không cho mượn tiền "bo”. Hậu quả, vị Trưởng Công an xã mất chức, còn kẻ đánh người phải vào vòng lao lý. Hay như vụ một Chủ tịch xã của huyện An Minh, ông này nhậu say rồi đến "quậy”... lớp học tình thương. Gần đây là vụ Trưởng Công an một xã thuộc huyện Vĩnh Thuận, khi say rượu đã ra tay đánh chính cậu ruột của mình khiến nạn nhân gẫy một xương sườn, phải nằm viện nhiều ngày... Đó đều là những chuyện đáng tiếc vì rượu mà ra. Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang khi đến tiếp xúc cử tri huyện An Biên đã nhận được phản ánh của một bà lão: "Cán bộ xã bây giờ nhậu nhiều quá Quốc hội ơi!”. Nghe bà cụ phản ánh "ngoài lề” như vậy, lãnh đạo địa phương thấy ray rứt lắm! Vị đắng sau chén rượu Tôi có nhiều người bạn thân làm lãnh đạo một xã ở huyện U Minh Thượng. Trong lúc... ngồi nhậu, anh bạn tôi đã "rút ruột”, nói hết: "Nhậu là thói quen, nói đúng hơn, là tập quán lâu đời của người nông dân vùng này. Theo đó, hễ bạn bè, anh em thân tộc lâu ngày gặp lại, khách ở nơi khác đến là phải mời nhau ly rượu, nếu từ chối xem như không thích nhau. Như vậy riết rồi quen, nên khi xuống ấp gặp người quen cũng rủ nhậu, không nhậu thì bị họ nói là làm ông này, bà nọ rồi không nhìn. Cứ thế, cán bộ xã từ không biết nhậu dần cũng phải "lên đô””. Theo anh bạn tôi, không chỉ có khách huyện, tỉnh xuống mới tiếp mà có khi buồn buồn, chiều mấy anh em cơ quan cũng tổ chức "họp” với nhau để trút bầu tâm sự... Bí thư Đảng ủy một xã ở huyện An Biên than: "Bây giờ khách ở huyện xuống xã ít khi chịu nhận lời mời dùng bữa cơm, do anh em biết cái khó chung. Thế nhưng, có khi cũng nán lại do anh em mời nhiệt tình quá. Đã mời thì phải chịu chứ không được than, nhưng cũng phải nói rằng việc thanh toán cho khoản tiền này là không có mục chi”. Theo vị Bí thư này, hiện nay theo quy định của UBND tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo xã chỉ được chi phí 7.000 đồng/ngày để tiếp đãi một khách. Trong khi đó, một bữa cơm thiết đãi khách "nhẹ” cũng phải 300.000-400.000 ngàn đồng. Lấy tiền đâu mà chi? Tiền túi chứ đâu. Thế nên có khi chủ xị phải nín đầu này, tiết kiệm đầu kia vài ba tháng mới có thể đắp vào khoản tiếp một tiệc khách! Còn nếu như ở "xã trung tâm” thì mấy anh em lãnh đạo xã phải hùn vô mỗi người một ít để trả tiền quán. Một Phó Chủ tịch xã ở Gò Quao bộc bạch: "Có bạn bè, khách cấp trên xuống, chẳng lẽ mình không mời? Nhậu rượu đế còn có cách để xoay sở, nếu "sung” lên uống bia thì đành phải móc tiền túi ra mà trả. Mình là lãnh đạo xã mà bị chủ quán đến đòi nợ hoài coi kỳ lắm, nên anh em đã thống nhất nhau nếu chầu nào "nặng đô” thì phải về xin vợ vài giạ lúa mà trả”. Bí thư Đảng ủy một xã của huyện Vĩnh Thuận chi ly hơn: "Tôi móc bóp trả tiền quán hoài nên vợ cằn nhằn. Cũng vì vậy, vợ tôi "sáng kiến” đi mua chuối hột, rể nhàu mua rượu về ngâm, khi có khách là bạn bè, bà con kéo về nhà nhậu vừa đỡ tốn kém lại được vợ khen!”. Phó Bí thư Thường trực một xã huyện An Minh, cho rằng việc tiếp khách là chuyện không bắt buộc nhưng "khách đến mà mình không tiếp thì kỳ lắm, có khi ảnh hưởng cả đến uy tín, danh dự của mình”. nguon24h.com.vn |