(newcentury) - Làng công nghệ thế giới đã bắt đầu bước sang những ngày đầu tiên của năm 2012 với nhiều hứa hẹn cho sự ra đời của những sản phẩm mang tính đột phá và cả những công nghệ thế hệ mới đáng kinh ngạc.
Chúng ta đang sống giữa một thời điểm thú vị trong lĩnh vực công nghệ: từ các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại và máy tính bảng cho đến cách mà chiếc máy tính cá nhân ở nhà bạn truy cập vào Internet, tất cả mọi thứ đều đang thay đổi và phần lớn hướng đến sự tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn.
Sau đây là những xu hướng phát triển mới trong năm 2012 này được dự đoán sẽ thay đổi cách mà bạn tương tác với thế giới kỹ thuật số:
1. Bộ vi xử lý lõi kép trở thành chuẩn trong smartphone
Motorola Atrix và Droid Bionic là những chiếc smartphone đầu tiên sử dụng vi xử lý lõi kép được tung ra thị trường trong năm 2011. Và đến thời điểm này, hầu hết smartphone cao cấp trên thị trường di động đều sở hữu chip lõi kép với tốc độ xử lý từ 1GHz-1,5Ghz. Khi chiếc điện thoại iPhone 4S của Apple vi xử lý lõi kép xuất hiện thì mục tiêu của các nhà sản xuất di động khác là làm sao để vượt mặt đối thủ của Quả táo. Và, giới công nghệ dự báo trong năm 2012, chúng ta sẽ được chứng kiến một bước đột phá trong các thiết bị di động lõi kép.
James Bruce, Giám đốc điều hành ARM, công ty sở hữu cấu trúc vi xử lý ARM hiện đang có mặt trên hầu hết các loại smartphone ngày nay. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5, James cho biết vi xử lý lõi kép sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc sản xuất smartphone vì chúng không chỉ mạnh mà còn giúp tiết kiệm pin.
"Nếu bạn nhìn vào những chiếc điện thoại di động ngày nay, bạn sẽ thấy những chiếc điện thoại lõi kép có mức tiêu thụ điện năng ít hơn”, James nói. Ví dụ, nếu bạn gửi một tin nhắn văn bản, vi xử lý lõi kép có khả năng sắp xếp có hiệu quả những chức năng tiêu thụ điện năng thấp hơn của chiếc điện thoại so với vi xử lý 1 lõi, trong khi đó nó lại giữ một lõi kép cho các chức năng cần nhiều năng lượng hơn như chơi game hoặc định vị”.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của các loại chip sẽ không dừng ở 2 lõi. Trong tháng 12, Nvidia đã ra mắt bộ vi xử lý 4 nhân đầu tiên của công ty này dành cho smartphone và máy tính bảng mang tên Tegra 3.
2. Ổ đĩa quang biến mất khỏi laptop
Nếu bạn có thể tải một bộ phim về chỉ trong vòng 2 phút tại bất kỳ sân bay hay cửa hàng cà phê nào và truy cập vào hàng trăm bức ảnh gia đình từ bất kỳ kết nối mạng nào thì liệu bạn có thường xuyên sử dụng ổ đĩa quang trong chiếc laptop của mình nữa hay không? Đối với hầu hết mọi người, câu trả lời là "không thường xuyên”.
Đó là lý do tại sao trong năm 2012 này, bạn sẽ thấy rất ít các sản phẩm laptop được trang bị ổ đĩa quang. MacBook Air và Ultrabook sẽ không phải là những mẫu laptop duy nhất từ bỏ bộ phận thừa thãi này.
Trong năm 2012, những chiếc laptop có kích cỡ thông thường sẽ có thể từ bỏ các ổ đĩa của chúng và thậm chí là nhiều cổng kết nối mà không làm mất quá nhiều chức năng. MacBook Air không có ổ đĩa quang và MacBook lớn hơn sẽ "bắt chước” theo trong năm nay. Các mẫu laptop từ các nhà sản xuất khác như Asus, Dell và Toshiba sẽ nhanh chóng gia nhập xu hướng này. Tất nhiên, một số mẫu laptop sẽ vẫn giữ lại ổ đĩa của chúng nhưng trong năm 2012, các mẫu laptop mới có trang bị ổ đĩa quang sẽ khó bắt gặp hơn.
3. Tài khoản Facebook trở thành công cụ thiết yếu trên web
Nếu muốn có một tài khoản Spotify - dịch vụ nhạc trực tuyến phổ biến, trước tiên bạn phải có một tài khoản Facebook. Vào tháng 9/2011, Facebook đã chính thức giới thiệu Spotify với tư cách là đối tác hàng đầu trong việc cung cấp và phát triển dịch vụ âm nhạc. Việc tích hợp ứng dụng âm nhạc của Spotify và khả năng tự động cập nhật thông tin mới trên Facebook mang đến nhiều lợi ích khi người dùng có thể ngay lập tức chia sẻ với bạn bè những gì họ đang lắng nghe.
Tuy nhiên, sự chia sẻ quá mức này có thể khiến người dùng rơi vào thế khó xử khi những gì họ không muốn chia sẻ lại tự động xuất hiện trong phần cập nhật tin tức của người khác. Nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc này đã phải bổ sung thêm tính năng mới có tên gọi Private Listening nhằm giải quyết phàn nàn của người dùng Facebook khi cho rằng tính riêng tư trong thưởng thức âm nhạc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay, dòng chữ "đăng nhập bằng tài khoản Twitter hoặc Facebook” ngay tại khu vực đăng nhập của một website đã ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Trong năm 2012, có lẽ bạn sẽ thấy nhiều lựa chọn kiểu này hơn. Yêu cầu này cũng rất hữu ích đối với các trang web nhỏ khi họ có thể loại bỏ phần lớn các tài khoản giả và những người dùng lạm dụng nhờ bộ lọc đăng nhập Facebook. Tất cả đều chỉ đảm bảo rằng khách hàng không quên thông tin đăng nhập của họ. Đối với Facebook, đây là một việc có lợi cho công ty bởi họ có thể biết được những website mà các thành viên của mình ghé thăm và khuyến khích họ chia sẻ nhiều hơn.
4. Thanh toán bằng điện thoại qua NFC
Hãng thử tưởng tượng thay vì rút ví ra để thanh toán, bạn chỉ cần chạm điện thoại vào thiết bị ở quầy thu ngân các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, rạp chiếu phim hay mua vé tàu...
Khi công nghệ NFC được tích hợp vào hầu hết các thiết bị điện thoại, việc thanh toán của bạn sẽ trở nên cực dễ dàng và tiện lợi. NFC chưa phổ biến trên thế giới nhưng công nghệ này được kỳ vọng sẽ có những bước tiến xa trong năm 2012. Hiện nay, bạn có thể tiếp cận với công nghệ mới này khi mua một chiếc điện thoại Google Nexus S được trang bị chip NFC và ứng dụng Google Wallet. Hãng sản xuất RIM cũng nỗ lực đưa chip NFC vào trong các mẫu điện thoại mới của mình như BlackBerry 9900 và gần đây họ đã công bố Tag, một tính năng đặc biệt của RIM cho phép người dùng BlackBerry chuyển thông tin liên lạc và văn bản.
Phiên bản mới nhất của hệ điều hành Android, Ice Cream Sandwich được xây dựng nhằm cho phép các nhà phát triển ứng dụng tận dụng lợi thế của việc ngày càng nhiều người sử dụng NFC, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu giữa 2 điện thoại bằng NFC. Vì vậy, chắc chắn vào năm 2012, bạn sẽ thấy thêm nhiều chiếc điện thoại được trang bị chip NFC và thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ công nghệ này nữa.
5. Xử lý trên đám mây
Các nhà sản xuất thiết bị như smartphone, máy tính bảng và thậm chí là cả máy ảnh đang tiến đến một công nghệ mới, vượt ra ngoài việc xử lý trong chip, đó là xử lý trên đám mây. Trong năm 2012, "xử lý đám mây” hay khả năng xử lý thông tin phức tạp trên các máy chủ từ xa sẽ có những tiến bộ đáng kể.
Tiêu biểu nhất cho xu hướng này là ứng dụng trợ giúp bằng giọng nói như Siri của iPhone 4S. Siri có thể hiểu đơn giản là một người bạn hay người phụ tá ảo cho chiếc iPhone hay máy tính của bạn, giúp bạn tìm kiếm, trả lời các câu hỏi của bạn. Theo đó, Siri sẽ gửi yêu cầu giọng nói của bạn về trung tâm dữ liệu của Apple và ở đó, yêu cầu của bạn sẽ nhận diện, xử lý và gửi phản hồi về lại chiếc điện thoại.
Một năm trước khi Siri được trình làng, Goggles của Google đã làm được điều tương tự: bạn có thể chụp ảnh của 1 quyển sách, một logo hay một địa điểm nào đó và Goggles sẽ phân tích hình ảnh này tại một trong những trung tâm máy chủ của Google rồi trả về một trang tìm kiếm có liên quan đến hình ảnh đó.
Vì thế, mặc dù các ứng dụng tận dụng lợi thế quá trình xử lý đám mây đã tồn tại nhưng bạn vẫn sẽ được thấy một loạt các ứng dụng nhận diện khuôn mặt/đối tượng và nhận dạng giọng nói dành cho các thiết bị di động xuất hiện trong năm 2012 này. Một giám đốc điều hành của Google gần đây có tiết lộ rằng công ty đang phát triển một đối thủ cạnh tranh với Siri có tên là Majel.
6. Thời thống trị của HTML5
Ngôn ngữ lập trình rất hiếm khi trở thành chủ đề đáng chú ý, nhưng bản cập nhật HTML5 sẽ thay đổi bộ mặt Internet trong năm 2012 này hơn bất cứ trang web mới nào khác. Bởi vì đó là nền tảng mà tất cả các website mới sẽ được xây dựng dựa trên đó. Bằng việc đưa XHTML dưới sự bảo hộ tương tự như HTML và bằng cách cho phép các lập trình viên sử dụng lệnh âm thanh và video mới để tích hợp media vào các trang web một cách trang nhã hơn, HTML5 sẽ trở thành công cụ quan trọng để làm cho các website hoạt động nhiều hơn giống như các ứng dụng thông dụng trên chiếc điện thoại của bạn.
Và trong một số trường hợp, website HTML 5 thậm chí có thể thay thế các ứng dụng đó. Tất cả các hệ điều hành di động lớn hiện nay đều phải hỗ trợ tiêu chuẩn web mới này. Đối với các nhà phát triển, HTML 5 hứa hẹn sẽ làm việc đó dễ dàng và mức giá phải chăng hơn nhằm giới thiệu sự tương tác trong các trình duyệt vì họ không còn phải mua và cài đặt các plus-in độc quyền để "nhúng” video…
Facebook là một trong những công ty công nghệ lớn đã cam kết đầu tư những nguồn lực đáng kể nhằm phát triển các trang web của họ cho HTML5. Pandora cũng đã thiết kế trang web của họ với HTML5. Vào tháng 11, Adobe tuyên bố ngừng phát triển Flash Player trên di động bởi HTML 5 được đón nhận nhiều hơn Flash.
Trong năm 2012 này, sẽ có một làn sóng các trang web được thiết kế lại và hãy chuẩn bị để xem các công ty từ bỏ việc xây dựng các ứng dụng mới để tập trung tạo ra các website dựa trên chuẩn HTML5. Thậm chí sẽ có một phong trào Chiếm Flash nhằm khuyến khích các nhà phát triển ngừng sử dụng Flash và bắt đầu sử dụng HTML5.
7. IPv6 bắt đầu xuất hiện
Để gửi và nhận dữ liệu trên Internet, tất cả các thiết bị đã được kết nối cần một địa chỉ IP và năm 2011 là năm mà chúng ta chứng kiến kho địa chỉ Internet IPv4 chính thức cạn kiệt sau 30 năm sử dụng.
Tại thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể cấp phát cho các nhóm thiết bị một địa chỉ IP bằng cách sử dụng công nghệ dịch địa chỉ mạng (NAT). Chúng ta không thể sử dụng mãi công nghệ này nhưng đối với một người tiêu dùng bình thường, đây sẽ không phải là một mối quan tâm trong một thời gian khá dài.
Tuy nhiên, trong năm 2012, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến các website đang lưu trữ nội dung của chúng trên các máy chủ chỉ có IPv4 và các doanh nghiệp nhỏ sẽ muốn có một địa chỉ IPv6 bên cạnh một địa chỉ IPv4 để sẵn sàng. IPv6 không tương thích ngược với IPv4 nhưng các công ty có thể "xếp kép” các máy chủ của họ để cung cấp nội dụng trên cả hai phiên bản của Internet.
Đối với các công ty, rất quan trọng để giữ địa chỉ IPv4 trong một thời gian nữa còn các hộ gia đình có thể không được cấp phép cho IPv6. Khi đến hạn các website phải từ bỏ địa chỉ IPv4 cũ của họ, nhiều thiết bị tiêu dùng bình thường cũng sẽ được sẵn sàng.
8. Số lượng máy tính bảng ít nhưng chất lượng hơn
Rõ ràng, các công ty công nghệ hiện nay đều muốn bán máy tính bảng. Tuy nhiên, trong năm 2011, không một mẫu máy tính bảng nào thực sự có đủ sức cạnh tranh với iPad. Ngoài iPad và Kindle Fire, có lẽ chưa một chiếc máy tính bảng nào khác gặt hái được thành công trên thị trường này.
Bước sang năm 2012, gần như chắc chắn một số nhà sản xuất tablet rút chân khỏi cuộc chơi này nhưng những công ty còn lại cuối cùng sẽ bắt đầu hiểu ra những chiếc máy tính bảng nào mà người tiêu dùng mong muốn: đó không phải là một chiếc điện thoại lớn mà là một thiết bị giải trí và phục vụ cho nhiều nhu cầu sử dụng.
Những mẫu máy tính bảng mới sẽ sử dụng phiên bản hệ điều hành mới của Android Ice Cream Sandwich, Windows 8 và RIM PlayBook 2.0. Chúng ta hãy hy vọng rằng năm 2011 mới là năm khởi động, còn năm 2012 sẽ là năm mà những đối thủ cạnh tranh thực sự của iPad xuất hiện.
nguon dantri.vn