(newcentury) - Khi được biết Bộ trưởng sẽ chủ trì đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, nhân dân cả nước đã gửi khá nhiều câu hỏi, tập trung vào tình trạng quá tải, tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh…. Dân trí xin trích đăng những câu hỏi hay nhất:
Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi đối thoại trực tuyến chiều nay (7/1/2012)
Thưa Bộ trưởng, tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang là vấn đề làm cho người dân hết sức lo lắng mỗi khi đến khám, chữa bệnh. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và trong những năm vừa qua đã có những hoạt động gì để hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển. Nhưng quá tải ở các nước phát triển chúng ta không nhìn thấy được bởi họ hẹn bệnh nhân, có nước là tới 6 tháng để đến khám. Ở Vương quốc Anh, họ phấn đấu rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh thông thường (không phải cấp cứu) xuống 18 tuần .
Ở Việt Nam, tình trạng này khá trầm trọng và cần nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương và chính người dân mới giải quyết được.
Tôi xin nói tóm tắt về những giải pháp đã làm như cố gắng tăng số giường bệnh, kê thêm giường, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật cũng làm, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng.
Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh.
Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư. Hiện nay, số giường của bệnh viện tư chiếm 3,5%, phần nào giúp giảm tải số bệnh nhân ngoại trú.
Chúng ta có đề án 1816, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có điều kiện kinh tế- xã hội, tập quán như dân số tăng nhiều, trong khi số bệnh viện mở ra không nhiều. Tỷ lệ số giường bệnh/1 vạn dân còn khiêm tốn, hết năm 2011 là 20,5 giường/1 vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.
Thứ 2, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, trước kia chỉ có bệnh nhiễm trùng. Giờ nhiều bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Thứ 3, do mức thu nhập tăng, dân trí tăng, giao thông thuận lợi, tỷ lệ bảo hiểm tăng (hiện đạt 60% dân số)… thu hút, làm cho người dân đi khám bệnh nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới…
Nguyên nhân nữa là cơ chế tài chính, giá dịch vụ tuyến trung ương không chênh lệch nhiều so với tuyến dưới.
Luật bảo hiểm y tế được ban hành, giúp bảo hiểm y tế được mở rộng hơn, tạo điều kiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bất cứ nơi nào, vượt tuyến được thanh toán 30%.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài thì một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc.
Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo và hiện cơ bản đã hoàn thành, bao gồm một số giải pháp chính:
1/ Tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện.
2/ Củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở. Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương. Tăng cường năng lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cho tuyến dưới, trạm y tế xã. Phải có cán bộ chuyên khoa giỏi. Bộ Y tế đã và đang cố gắng hết sức đào tạo các loại hình theo yêu cầu xã hội.
3/ Đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định đổi mới cơ chế tài chính và đã chuẩn bị khi văn bản được ban hành. Khi đó, hy vọng 3 Bộ Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính sẽ có thông tư liên bộ điều chỉnh Thong tư đã ban hành quá lâu về giá dịch vụ y tế.
4/ Giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ có thông tư phân tuyến kỹ thuật, đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để phân tuyến chữa bệnh. Bên cạnh đó là quy chế về chuyển bệnh nhân. Theo nguyên tắc, trong 100 người đến khám bệnh, có 80-90 người mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, có thể điều trị bằng phác đồ thông thường, còn lại 10 – 20 người mắc bệnh nặng mới cần lên tuyến trên cùng. Tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình… Tăng cường đào tạo để bổ sung đội ngũ nhân lực ngành Y.
Theo tôi được biết, ở nước ta có tỉ lệ 20,5 giường bệnh/10.000 dân là quá thấp so với khu vực và quốc tế. Tại nhiều bệnh viện, mỗi ngày, một bác sĩ khám trung bình cho 80-90 bệnh nhân (một số BV chuyên khoa có ngày, một bác sĩ phải khám cho cả trăm bệnh nhân). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng khám chữa bệnh rất khó được cải thiện. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vì sao vẫn chưa có biện pháp khắc phục, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của ông rất có lý và cũng là nỗi trăn trở của ngành. Còn biện pháp khắc phục thì như tôi đã nói. Nhiều cơ sở đã mở hết cỡ các chỗ khám bệnh, không thể mở thêm. Như BV Bạch Mai, khoa Ung bướu quá chật, Bộ Y Tế sẵn sàng sử dụng ngân sách của Bộ chứ không phải từ trái phiếu để "cấp cứu”, xây thêm 50, 70 giường bệnh nữa, không thể để tình trạng 4, 6 bệnh nhân nằm một giường. Tuy nhiên, tìm khắp nơi không có đất trống, nên họ đề nghị xây dựng chồng thêm tầng. Tôi hỏi, nếu thế thì các giường bệnh hiện tại phải ngừng hoạt động hay sao, nhưng phía bệnh viện nói bên xây dựng sẽ có cách.
Việc đầu tư xây dựng bệnh viện như hiện nay là quá ít, trong khi đó, đầu tư xây dựng dành cho các công trình thương mại và các khu nhà biệt thự, khu chung cư để bán kiếm lời ngày càng nhiều. Phải chăng lợi ích kinh tế được coi trọng hơn việc chăm lo sức khỏe cho người dân ?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của các ông cũng là trăn trở của chúng tôi. Trong thời gian qua, nền kinh tế thị trường phát triển, nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn nhất quán là ưu tiên cho y tế, giáo dục. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong thực hiện, dù đầu tư cho y tế có tăng dần nhưng vì ngân sách quá hạn hẹp nên kinh phí cho y tế vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu.
Thứ hai, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quỹ đất dành cho y tế và giáo dục là khiêm tốn nhất. Đây là vấn đề thuộc về quy hoạch của từng địa phương. Để có đất cho y tế, các địa phương cần dành quỹ đất trong quy hoạch, mà phải là quỹ đất sạch, nếu không chi phí cho giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn.
Thứ ba, việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng bệnh viện rất được khyến khích, nhưng số doanh nghiệp đầu tư xây bệnh viện chắc sẽ ít hơn số lượng doanh nghiệp đầu tư vào chung cư. Lý do là xây bệnh viện khó hơn xây chung cư rất nhiều, đòi hỏi kỹ thuật, nhân lực, chưa kể trách nhiệm rất nặng nề với sinh mạng, sức khỏe con người… Vừa qua, các địa phương, nhất là các thành phố lớn đã có quy hoạch đất. Hà Nội đã dành 5 khu đất ở ngoại thành để mở rộng, di dời, mở cơ sở 2 cho các bệnh viện…
Tuy nhiên, như tôi đã nói, đất quy hoạch phải là đất sạch và phải có kinh phí thì mới xây dựng được bệnh viện. Còn nếu kêu gọi xã hội hóa, phải có lợi nhuận và như thế người dân sẽ khó tiếp cận dịch vụ. Do đó, với y tế, giáo dục, Nhà nước đầu tư là chủ yếu.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của cả các Cục, Vụ liên quan
Vừa qua, Bộ Y tế có chủ trương tăng viện phí. Xin hỏi Bộ trưởng, mức tăng cụ thể là bao nhiêu, được tính toán như thế nào? Riêng cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tăng giá viện phí của Bộ Y tế và đề nghị Bộ trưởng cho biết, sau khi tăng giá thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện đến đâu ?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thưa độc giả, chúng tôi điều chỉnh Thông tư 14 từ năm 1995 và Thông tư 03 từ năm 2006. Chúng tôi vẫn dựa trên quy định của các thông tư đó, tức là trong 7 yếu tố tạo nên giá, thì giai đoạn này chỉ tính 3. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất.
Về mức tăng, ví dụ công khám bệnh trước đây 3.000 đồng một lượt, sau khi tăng sẽ là: Hạng đặc biệt (trên Trung ương) là 20.000 đồng, hạng 2 (tuyến huyện) là 15.000 đồng, hạng 3 là 10.000 đồng, hạng 4 (ở trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng) là 5.000 đồng.
Căn cứ để điều chỉnh công khám bệnh là tình hình trượt giá và mức lương cơ bản. Mức lương cơ bản 830.000 đồng cũng đã tăng 6,9 lần so với khi bắt đầu áp dụng mức viện phí cũ. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 500 USD lúc đó lên trên 1000 USD hiện nay.
Về điều chỉnh giá giường bệnh, hiện nay tại các chuyên khoa cao cấp là 20.000 đồng một ngày, còn thông thường từ 10-18.000 đồng. Mức thu này không thể nào đáp ứng được chi phí khám chữa bệnh. Có những bệnh viện đến nay bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên, hỏi thì họ bảo làm gì có tiền mà mua. Sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là từ 1.500 đồng đến 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên 20.000 đồng đến 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.
Còn giá các dịch vụ kỹ thuật, trước là 330 dịch vụ, nay chúng tôi bỏ đi 130 dịch vụ, vì đã lạc hậu hoặc trùng, 222 dịch vụ còn lại được rà soát và điều chỉnh thành 277 dịch vụ. Khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5 lần, chúng tôi thấy mức tăng này phù hợp vì mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, mệnh giá bảo hiểm y tế cũng tăng từ 3% lên đến 4%. Với mức tăng đó, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn.
Một điểm đáng chú ý, trước đây chúng ta không quy định giá giường nằm đôi, nằm ba... nhưng với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. Và sắp tới chúng tôi sẽ đưa vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua, dĩ nhiên là phải có thời gian và phải tiến hành dần dần.
Cán bộ y tế hết sức mong mỏi vấn đề này, nhiều người cho rằng nếu không tăng viện phí thì một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh không thể hoạt động được.
Thưa bác Bộ trưởng, ba cháu bị bệnh thận và tiểu đường, năm nào cũng hai, ba lần phải vào viện điều trị, mỗi lần như vậy, má cháu lại phải đôn đáo ngược xuôi vay mượn để có đủ hai, ba triệu đồng lo tiền viện phí, thuốc men. Cháu rất lo rằng, rồi đây, khi viện phí tăng, những gia đình nghèo như gia đình cháu sẽ trông cậy vào đâu để có tiền chữa bệnh cho Ba, cháu gửi thư này rất mong được sự quan tâm của Bác.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay chúng ta đang thực hiện đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Nếu như gia đình cháu ở địa phương được xếp diện nghèo, Nhà nước gần như trả hết chi phí mua bảo hiểm y tế, gia đình cháu chỉ phải đồng chi trả 5%. Ngay cả việc cùng chi trả 5%, hiện quỹ khám bệnh cho người nghèo 139 Bộ Y tế đã trình, sắp ban hành, đối với phần chi trả 5% đó, nhà nước sẽ chi trả luôn trong trường hợp đó là những bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo, mổ tim... Còn thuộc hộ cận nghèo, Bộ Y tế trình Chính phủ, Quốc hội năm tới hỗ trợ 70%, chỉ bỏ ra 30%. Còn nông dân, dân diêm, học sinh nghèo được hỗ trợ 30-50%. Một giải pháp nữa là tham gia bảo hiểm tình nguyện, mua thẻ mệnh giá chưa đến 500.000 đồng, tất cả chi phí trong bệnh viện sẽ được trả hết. Người dân sẽ được chăm sóc.
Mới đây, Công đoàn ngành y tế và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thực hiện cuộc khảo sát về giao tiếp ứng xử giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà tại 5 bệnh viện lớn. Kết quả cho thấy, có tới 45% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hài lòng với cán bộ nhân viên y tế, thủ tục hành chính, trong đó mức độ không hài lòng cao nhất ở Bệnh viện K (hơn 63%), thấp nhất là Bệnh viện Phụ sản TW…
Đây là lần đầu tiên ngành y tế chủ động công khai những số liệu điều tra mà trước đây được cho là nhạy cảm. Bộ trưởng nhìn nhận về những kết quả của cuộc khảo sát nói trên như thế nào? Và trong năm 2012 này, Bộ Y tế sẽ làm gì để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là với những người nghèo?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong ngành y tế, sự phàn nàn của người dân là do quá tải bệnh viện. Khi cơ sở vật chất chật hẹp do giá dịch vụ y tế thấp, người dân cũng cảm thấy rất khó chịu khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 29 về các quy tắc ứng xử trong khám chữa bệnh, quy định 5 quy tắc với cán bộ y tế, 5 quy tắc với người nhà bệnh nhân. Cán bộ y tế phải có thái độ nhã nhặn, phải khám bệnh kỹ, phải có lời khuyên, không được nhận quà biếu và tiền khi bệnh nhân đến khám. Người nhà bệnh nhân cũng không được đưa tiền, quà biếu cho bác sĩ khi vào viện.
Chúng tôi đã làm một cuộc thi về các quy tắc ứng xử cán bộ y tế trong toàn ngành và sắp tới tổ chức đêm chung kết vào ngày 20/2 tại Hà Nội. Cuộc thi nhằm hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Công đoàn ngành Y tế đã đưa ra một chuyên đề là một nội dung trong các quy tắc ứng xử nói trên, tiến hành một cuộc khảo sát nhanh tại một số bệnh viện với mẫu số nhỏ. Tôi nghĩ với mẫu số như vậy thì con số đó có thể là chân thực. Sự quá tải của các bệnh viện (lẽ ra mỗi bác sĩ chỉ khám 30 bệnh nhân thì thực tế lên đến 80 người trong một buổi sáng) trong khi thu nhập lại thấp, nên thái độ có thể chưa tốt, nhất là với những người phục vụ trực tiếp.
Tôi cho rằng điều tra đó có thể không phản ánh tổng thể, nhưng cũng là một thực trạng. Dĩ nhiên nhiều bệnh viện cũng đã có những nỗ lực nâng cao mức độ hài lòng của người dân, chẳng hạn Bệnh viện Bạch Mai sau khi chỉnh trang mặt bằng, ứng dụng CNTT, hẹn giờ khám chữa bệnh… thì ý kiến thể hiện sự hài lòng qua hòm thư góp ý lên tới trên 70%, tức là tăng rõ rệt so với trước.
Bộ Y tế vừa mới phát động phong trào "Nói không với phong bì”. Thực ra phong trào này đã có từ nhiều năm trước nhưng thực hiện không hiệu quả. Vậy lần này có thể làm đến nơi, đến chốn được hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi chưa bao giờ có cuộc vận động "nói không với phong bì”, bởi phong bì mang nhiều nghĩa. Ví dụ trong cuộc sống chúng ta đi đám cưới, đám hiếu, cũng dùng phong bì. Người bệnh sau khi khỏi bệnh, biếu quà bánh, phong bì và thậm chí là tạ ơn rất lớn. Còn phong bì hiện nay, cũng chủ yếu là sự cảm ơn của người bệnh đối với các cán bộ y tế làm việc vất vả…
Có 2 hình thức chủ yếu phổ biến nhất hiện nay. Thứ nhất là do quá tải. Chúng tôi đã tiến hành điều tra, nghiên cứu bằng đề tài cấp bộ lẫn khảo sát thực tế, ngồi lẫn với bệnh nhân để quan sát. Do đông nên ai cũng muốn vào trước và muốn được bác sĩ quan tâm hơn, nên người nhà bệnh nhân lúc nào cũng chủ động tiếp cận đưa tiền, quà cho bác sĩ.
Tôi lấy ví dụ, khi ngồi chờ, chúng tôi đã quan sát, trong sổ khám chữa bệnh, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân kẹp thêm tờ 50.000 đồng vào đó. Hầu hết ai cũng cho tiền phong bì đó vào mà không phải do ai đòi hỏi.
Thứ 2, khi vào điều trị nội trú, không có bác sĩ, điều dưỡng nào dám nhận phong bì. Có những bệnh viện, nếu nhận phong bì, quà cáp thì bị đuổi việc.
Có những người nhà bệnh nhân phản ánh với tôi rằng, thực ra không có chuyện đòi hỏi phong bì nhưng người nhà bệnh nhân thương người thân của mình, kể cả người có chế độ khi nằm viện, vẫn cứ đưa tiền cho điều dưỡng, nhân viên y tá.
Còn việc gợi ý để đưa phong bì, theo tôi, gần như không có bác sĩ nào đòi hỏi, gợi ý. Nếu có cá biệt, thì theo tôi, đó là sự cá biệt rất hiếm hoi.
Với cương vị là tư lệnh ngành Y tế, Bộ trưởng có thể nói từ giờ bệnh nhân không cần đưa phong bì nữa mà chất lượng cũng vẫn không thay đổi ?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi nghĩ rằng, điều đó cũng đã xảy ra ở nhiều nước khác. Ví dụ ở Bệnh viện Bạch mai, chỉ cách 1 bức tường là Bệnh viện Việt Pháp. Cũng ở Việt Nam, bệnh nhân cũng là người Việt Nam, nhưng sang Bệnh viện Việt Pháp chắc chắn không có chuyện "phong bì". Chỉ khi ra viện thì tặng hoa, quà, cảm ơn bác sỹ.
Bản thân chúng tôi làm trong ngành Y, khi khỏi bệnh, ra viện, chúng tôi cũng tặng hoa, quà cho anh em trực do họ vất vả. Đó là tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi chưa khảo sát vấn đề này tại Biện viện Bạch Mai, nhưng nếu khảo sát chắc cũng có tình trạng đó.
Hiện nay, lương khởi điểm một số điều dưỡng, bác sĩ mới về thực tập khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/tháng. Nếu vào bệnh viện tư, chi phí lớn, lương bác sĩ cao, giá dịch vụ cao, người ta đã chi hết vào tiền dịch vụ, không cần bù đắp, không phải lo lắng chuyện thu nhập.
Cổng TTĐT Chính phủ
nguon dantri.vn