Anh Hưng, chuyên chạy xe ôm trên tuyến đường này, than thở: "Đường đã hư mấy năm nay nhưng chỉ thấy các đơn vị tới trám, trét vài đoạn rồi bỏ đi; nhưng chỉ làm trong mùa mưa chứ mùa nắng ít thấy lắm. Làm nghề này chạy chinh chiến đủ các loại đường nhưng thật sự tôi quá ngán tuyến đường này. Có nhiều đêm xe tôi đã dính ổ gà làm tôi ngã lăn giữa đường…”.
Anh Tâm, lái xe tải hạng nặng tuyến Bắc Nam, thì cho biết: "Không có tuyến đường tránh nào như đường tránh Huế, đi mất thời gian gấp 2-3 lần so với đi trên quốc lộ chính 1A. Xe xóc liên tục như gặp phải hố bom thời chiến tranh”.
Quả thật, không thể liệt kê hết các loại hố giữa tuyến đường này. Nhiều đoạn đã xuất hiện đường nứt giữa phần đường ô tô và xe máy, nhiều lớp nhựa đã bong ra theo chiều dọc, có thể gây nguy hiểm cho bất cứ tay lái nào. Có đoạn đã bị bào mòn hết phần nhựa đường, chỉ còn trơ cát và đá dăm lởm chởm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ đường bộ TT-Huế, cho biết từ năm 2008-2010, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho đầu tư sửa chữa các vị trí hỏng với kinh phí duy tu bảo dưỡng 20 triệu đồng/km/quý. Chỉ riêng từ năm 2008 đến nay, trên dưới 20 tỷ đồng đã được bỏ ra cho công tác duy tu, nhưng cứ sửa chỗ này là chỗ khác lại hỏng.
"Với số vốn ít ỏi như vậy không thể nào vá hết các điểm hỏng. Tuy nhiên vừa qua bộ Giao thông Vận tải đã vào Huế kiểm tra, hứa sẽ đầu tư nâng cấp đường bằng thảm bê tông nhựa dày 12 cm vào năm 2011 trên toàn tuyến để đường đạt yêu cầu” - ông Tuấn phân bua.
Nguyên nhân chính làm đường hư hỏng theo ông Tuấn là lưu lượng và tải trọng xe quá nhiều so với kết cấu nền đường nên không thể đảm bảo đường tốt. Thêm vào đó, mưa kéo dài, cứ sửa xong là mưa xói.
Để kết luận cho tình trạng hiện tại của con đường này, ông Tuấn nói vui: "Đường tránh Huế là đi đâu tránh đó”. Ông cũng mong mỏi cấp trên sẽ quan tâm cấp kinh phí kịp thời và càng nhiều càng tốt để đường được sửa nhanh.